• Học tập trải nghiệm trên quê hương em

Truyền thuyết QUÁN TIÊN - CÂY MUỖM NGỰ

Đăng vào lúc 18/05/2020

TRUYỀN THUYẾT QUÁN TIÊN - HAI CÂY MUỖM NGỰ

 

Đến Đền Hát Môn mà du khách không được nhìn được nghe 2 câu chuyện truyền thuyết này thì đó là một điều tiếc nuối. Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Hát Môn, từ lúc còn rất rất nhỏ đã được bà được mẹ kể rồi.

1) Truyền thuyết QUÁN TIÊN:

Một ngôi miếu nhỏ, xây bằng gạch, cửa mở về hướng đền kiểu vòm cuốn, có mái đao cong, nền cao hơn mặt đường 45 cm, tạo ba bậc lên nền quán, có vị trị nằm ngay trước cổng đền, ai ai đến Đền Hát Môn cũng sẽ bắt gặp ngôi miếu này, có tên gọi là QUÁN TIÊN.

Theo Thần phả, Quán Tiên còn gọi là Miếu Cô hay Quán Ngoại, thờ Lục cung tiên nương bộ hạ Quý cô, hiển linh thành Bà Lão hàng nước, âm phù giúp Hai Bà Trưng. Khi Hai Bà rút quân về cửa sông Hát Giang, Hai Bà ghé vào quán của một bà lão ăn một đĩa bánh trôi và hai quả muỗm ngự, bà lão hàng nước có lời như lời mách bảo của tiên thánh :

“ Mệnh trời đổi thay khó đoán định, Hát Giang ở phía trước, xin đức vua bảo trọng".

Từ lời căn dặn của Bà Lão, để tránh không sa vào tay giặc, Hai Bà gieo mình xuống dòng sông Hát hóa thân vào dòng nước trong xanh huyền thoại trở về thiên đình, hôm đó là ngày 6 tháng 3 năm Quý Mão (Năm 43 sau Công Nguyên).

Chẳng biết Bà Lão hàng nước qua đời từ lúc nào, nhưng khi ngôi đền được lập nên để thờ hai vị nữ anh hùng dân tộc thì Quán Tiên cũng được tạo dựng ngay ở cổng đền.

 

2) Truyền thuyết HAI CÂY MUỖM NGỰ:

Nằm trước QUÁN TIÊN, sát phía cổng trụ của Đền Hát Môn trước đây khi tôi còn nhỏ có hai cây Muỗm Ngự, rất tiếc vì cây quá nhiều tuổi mà ngày nay không còn sống nữa, nhưng câu chuyện về hai cây Muỗm Ngự luôn thần bí và cực kì có ý nghĩa.

 

" Đĩa bánh trôi ấm tình người dầu giãi,

Quả muốm xanh mát dạ đấng anh hùng."

Trích lời thơ chuyên gia lịch sử

 

Theo các cụ từ xa xưa truyền lại cho con cháu nhân dân Hát Môn, sau khi HAI BÀ ghé chân vào quán nước của Bà Lão, đã ăn 2 quả muỗm, và vứt hạt vào khu đất phía trước (nay là cổng đền), sau đó HAI BÀ vì không muốn sa vào tay giặc nên đã gieo mình xuống dòng sông HÁT GIANG huyền thoại, hai hạt muỗm sau này nở ra hai cây Muỗm Ngự. Một sự ngạc nhiên đến tình cờ hai cây Muỗm đã đứng sừng sững ở cổng đền trải dài theo năm tháng của lịch sử từ Lý Trần gây dựng nền độc lập đến thời đại Hồ Chí Minh.

Hình ảnh: cổng Đền Hát Môn nhìn từ dưới đền nhìn lên. Phía bên tay phải trước đây có 2 cây MUỖM NGỰ