• Học tập trải nghiệm trên quê hương em

TỤC RƯỚC BÁNH TRÔI - ĂN BÁNH TRÔI CỦA NGƯỜI DÂN HÁT MÔN

Đăng vào lúc 18/05/2020

 

Tục rước bánh trôi trong Lễ hội Đền Hát Môn ở huyện Phúc Thọ – nét văn hóa đặc sắc của xứ Đoài

Nguồn trích dẫn

          Nói đến xứ Đoài, chúng ta thường nghĩ đến một vùng đất cổ, có nền văn hóa đặc sắc, mà tiêu biểu trong đó là Lễ hội Đền Hát Môn - một Lễ hội được tổ chức quy mô cấp vùng nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao 2 vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc là Hai Bà Trưng. Lễ hội Đền Hát Môn diễn ra với nhiều nghi lễ, phong tục truyền thống của người dân địa phương như: Lễ trình khai hội; lễ tế nữ quan; rước lễ làng,… đặc biệt trong đó có  tục rước bánh trôi độc đáo, đặc sắc, tạo nên những nét riêng của Lễ hội nơi đây.

          Lần giở những trang sử hào hùng của dân tộc, vào buổi đầu thời kỳ đấu tranh giành lại nền tự chủ của dân tộc, Hai Bà Trưng đã phát động, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi quân Đông Hán xâm lược. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, nước ta giành quyền tự chủ trong 3 năm (40- 43). Tuy nhiên, đến năm 42, vua Hán cử tướng Mã Viện đem hàng vạn binh lính sang tái xâm lược nước ta. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, đến năm 43 quân của Hai Bà Trưng không đủ sức kháng cự quân xâm lược. Tương truyền, trên đường rút quân, Hai Bà đã dừng chân gần dòng sông Hát và ăn bánh trôi, sau đó gieo mình suống dòng Hát giang để tránh xa vào tay giặc, hôm đó là ngày 6/3 âm lịch.

          Theo lời kể của các cụ cao niên trong xã, từ xa xưa, tục rước bánh trôi dâng lên Hai Bà trong Lễ hội Đền Hát Môn đã có, nhưng chưa được mở rộng và số lượng người tham gia ít. Ngày đó, chỉ có các cụ trong làng làm bánh để dâng lên Hai Bà. Tuy nhiên, từ năm 2000 trở lại đây, tục rước bánh trôi đã mở rộng ra khắp các cơ sở trong xã Hát Môn và trở thành một phần quan trọng, tạo ra nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của Lễ hội Đền Hát Môn.

 

          Hiện nay, tục rước bánh trôi trong Lễ hội được người dân trong xã đặc biệt coi trọng. Hằng năm, cứ đến đầu tháng 3 âm lịch, các cơ sở đều tấp nập chuẩn bị những viên bánh đẹp nhất, ngon nhất để dâng lên Hai Bà. Người dân Hát Môn đặc biệt coi trọng nguyên liệu làm bánh. Họ chọn gạo nếp mới, thơm, ngon để làm bánh; nước làm bánh phải được chắt lọc từ những giọt nước tinh khiết nhất. Bánh được làm hết sức công phu, khi chín có màu trắng, trong, tròn, không  nát và đặc biệt phải là bánh chay. Gạo làm bánh của các cơ sở dâng lên Hai Bà có thể sử dụng máy nghiền, tuy nhiên gạo làm bánh của các cụ trong Ban tu lễ của Đền phải được giã bằng cối, chày chứ không được nghiền bằng máy.

          Để chuẩn bị cho đại lễ ngày mùng 6, ngay từ tối mùng 5, tất cả các cụ già trong làng, hội viên nông dân, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên đã tập trung tại một địa điểm để cùng nhau làm bánh. Qua đó, tình làng nghĩa xóm càng được gắn kết chặt chẽ, đồng thời là dịp để các cụ chia sẻ, truyền dạy những kinh nghiệm cho con cháu làm bánh trôi vừa ngon lại đẹp dâng lên Hai Bà.

          Sáng ngày 6/3, sau phần rước lễ làng, các cơ sở tập trung tại trụ sở UBND xã để rước bánh về Đền Hát Môn. Mỗi cơ sở đều làm 20 mâm bánh, mỗi mâm trên 10 đĩa và số lượng người rước bánh là 20 người. Người rước bánh phải là phụ nữ, đó là những người phụ nữ hiền lành, đảm đang được tuyển chọn từ các cơ sở. Trang phục của người rước bánh phải là áo dài truyền thống, thể hiện nét đẹp, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Điều đặc biệt trong tục rước bánh trôi ở Đền Hát Môn là khi các đoàn rước bánh về Đền thì sẽ không dâng lên Hai Bà tất cả số bánh đó mà mỗi đoàn sẽ chọn ra một đĩa ngon nhất, đẹp nhất vào làm lễ, thành kính dâng lên Hai Bà, số còn lại mời du khách tập phương thụ lộc và mỗi cơ sở được thụ lộc một đĩa bánh.

          Tục rước bánh trôi, không biết có tự bao giờ nhưng đã in sâu trong tâm khảm của mỗi người dân Hát Môn. Dù họ đi đâu, về đâu cũng luôn mang trong mình một lời thề là trước ngày 6/3 âm lịch, cũng là Lễ hội bánh trôi lớn nhất trong năm tại Đền Hát Môn, sẽ không ai ăn bánh trôi để thể hiện lòng thành kính của họ đối với Hai Bà Trưng, chưa đến ngày giỗ của Hai Bà, Hai Bà chưa hưởng thì họ chưa ăn bánh.

          Hằng nghìn năm đã đi qua nhưng phong tục rước bánh trôi trong Lễ hội đền Hát Môn vẫn có một sức sống lạ kỳ, thể hiện tryền thống uống nước nhớ nguồn và lòng tôn kính, biết ơn Hai Bà Trưng của nhân dân địa phương. Trách nhiệm của con cháu Phúc Thọ hôm nay, đặc biệt là những người con của quê hương Hát Môn cần bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc đó, góp phần tô điểm thêm nền văn hóa đặc sắc của xứ Đoài.